Giới thiệu
Trisomy 18 hay còn được biết đến là hội chứng Edwards, xảy ra khi bệnh nhân bị thừa một nhiễm sắc thể số 18 trong bộ nhiễm sắc thể. Đây là hội chứng thể ba nhiễm phổ biến chỉ sau hội chứng Down. 95% trường hợp thai mắc hội chứng này sẽ chết trong tử cung. Tỷ lệ thai nữ sống sót sau sinh nhiều hơn nam. Chỉ khoảng 5 – 10% trẻ sinh ra có thể sống hơn một năm tuổi. Hội chứng được mang tên nhà di truyền học người Anh John Hilton Edwards, người đầu tiên mô tả căn bệnh này vào năm 1960.
Dịch tễ học
Hội chứng Trisomy 18 xảy ra với tỷ lệ 1/5000 – 1/7000 trẻ sơ sinh sống. Đây là hội chứng bất thường nhiễm sắc thể phổ biến thứ ba chỉ sau hội chứng Down và hội chứng DiGeorge. Tỷ lệ trẻ nam:nữ mắc hội chứng này là khoảng 1:3 đến 1:4. Tần suất Trisomy 18 dường như tăng theo tuổi mẹ, báo cáo cho thấy tuổi mẹ trung bình là 32,5 tuổi.
Dấu hiệu & triệu chứng
Các triệu chứng liên quan đến trisomy 18 là vô cùng thay đổi. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào tỷ lệ phần trăm của các tế bào bị thừa nhiễm sắc thể (nếu là thể khảm).
Trong thời kỳ bào thai, nhiều thai nhi có giảm vận động trong tử cung. Trẻ sinh ra thường nhẹ cân, đẻ non, trán hẹp, sọ dài và to, khe mắt hẹp, tai ở vị trí thấp, ít quăn và nhọn nên trông giống tai chồn, miệng bé, hàm nhỏ và lùi ra sau.
Bàn tay rất đặc biệt: ngón cái quặp vào lòng bàn tay, bàn tay nắm lại, ngón trỏ chùm lên ngón nhẫn; bàn chân vẹo.
Bàn tay với các ngón tay chồng lên nhau
Nếp vân da rất đặc biệt: tần số vân cung cao ở đầu ngón tay (7-10 ngòn). Thường có nếp ngang đơn độc, chạc ba trục thường ở vị trí t’ hoặc t’’.
Trẻ thường có dị tật kèm theo: tim bẩm sinh, dị tật tiết niệu – sinh dục (tinh hoàn không xuống bìu), thoát vị rốn, dị tật hệ thần kinh trung ương (thiểu sản thể trai, thoát vị màng não tuỷ). Một vài dị tật trong số những dị tật này có thể dẫn đến biến chứng nặng, đe doạ tính mạng cho trẻ.
Ở bệnh nhân Trisomy 18 cũng ghi nhận tình trạng thiểu năng trí tuệ và chậm phát triển ngôn ngữ.
Nguyên nhân
Hầu hết các trường hợp trisomy 18 là kết quả của việc thừa một nhiễm sắc thể số 18 trong bộ nhiễm sắc thể (ba bản sao nhiễm sắc thể 18 thay vì hai như thông thường). Sự xuất hiện thêm một nhiễm sắc thể 18 là do lỗi mới phát sinh trong quá trình giảm phân hình thành giao tử (de novo). Nguy cơ xuất hiện các lỗi như vậy tăng dần theo tuổi cha mẹ. Các vật liệu di truyền xuất hiện thêm làm phá vỡ cấu trúc phát triển bình thường của cơ thể, gây ra các đặc điểm đặc trưng của trisomy 18.
Khoảng 5% những người bị trisomy 18 có thêm một bản sao nhiễm sắc thể 18 chỉ trong một số tế bào của cơ thể (Thể khảm trisomy 18). Mức độ nghiêm trọng của thể khảm phụ thuộc vào loại và số lượng tế bào bị thừa nhiễm sắc thể.
Trường hợp hiếm gặp khác, một phần hoặc toàn bộ nhiễm sắc thể 18 chuyển đoạn, gắn với nhiễm sắc thể khác trong quá trình hình thành giao tử hoặc trong những giai đoạn rất sớm của quá trình phát triển phôi. Các bệnh nhân này có vật liệu di truyền tương đương với 3 nhiễm sắc thể 18 (một phần hoặc toàn bộ). Nếu chỉ có một phần cánh dài có ba bản sao, các triệu chứng lâm sàng của trisomy 18 có thể ít nghiêm trọng hơn so với trisomy 18 kinh điển.
Bộ Nhiễm sắc thể ở trẻ mắc hội chứng Edwards (Trisomy 18)
Chẩn đoán
Ở giai đoạn trước sinh, có thể phát hiện nguy cơ mắc Trisomy 18 nhờ một số biện pháp sàng lọc như siêu âm (dấu hiệu tử cung lớn, dịch ối nhiều, dấu hiệu bàn tay nắm chặt…), Double Test (đo nồng độ các chất b-HCG tự do, PAPP-A ở tuần 11-13), Triple Test (định lượng Alpha-fetoprotein, HCG, Estriol không liên hợp (uE3) ở tuần 15-20).
Phương pháp sàng lọc trước sinh không xâm lấn dựa trên phân tích các DNA thai nhi tự do trong máu mẹ (NIPT) có độ chính xác cao hơn hai phương pháp sàng lọc Double test và Triple test, có thể thực hiện từ tuần thai thứ 10.
Nếu các xét nghiệm sàng lọc cho kết quả nguy cơ cao bị hội chứng Trisomy 18, thai phụ cần được khuyến nghị thực hiện các xét nghiệm xâm lấn như chọc ối để phân tích nhiễm sắc thể (QF-PCR, Bobs, Karyotyping).
Chẩn đoán trisomy 18 cũng cần được xem xét với những trẻ sơ sinh có các dấu hiệu lâm sàng đặc trưng của hội chứng. Xét nghiệm phân tích nhiễm sắc thể dựa trên mẫu máu ngoại vi là tiêu chuẩn vàng chẩn đoán bệnh.
Tiên lượng
Bệnh nhân mắc Trisomy 18 có tiên lượng xấu, thường chết ngay sau khi sinh hoặc chỉ sống trung bình 10 tuần. Chỉ khoảng 13% trẻ sống được qua năm đầu tiên và nhìn chung trẻ nữ có tỷ lệ sống sót cao hơn trẻ nam.
Tags: Trisomy 18, Hội chứng Edwards